Lướt Sóng | Cho Người Mới | Tập 2a | Nến Nhật - Khái Quát

  • Dân “Trader” chắc không xa lạ gì đối với thuật ngữ “tín hiệu” (Signal), vậy chính xác thuật ngữ này miêu tả vấn đề gì?
  • Ở phần trước:
    • Chỉ báo BB: giúp “Trader” đánh giá nhanh thị trường, cùng với những rủi ro tiềm ẩn.
    • Chỉ báo MACD: giúp “Trader” nắm được xu hướng hiện tại của thị trường.
    • Chỉ báo RSI: giúp “Trader” xác định được thời điểm “chốt” giao dịch mua, bán.
  • Vậy chính xác khi nào thì “xuống tiền”?
  • Nội dung chính trong phần này chủ yếu trích lược, 1 phần từ cuốn sách Japanese Candlestick Charting Techniques - Edition 2 của tác giả Steve Nison. Người quan tâm có thể mua sách phiên bản Tiếng Việt trên Shopee.

I./: Nền Tảng Lịch Sử.
“Thông qua việc tìm hiểu cái cũ, chúng ta học cái mới”

  • Chương này cung cấp cho bạn nền tảng phát triển của phân tích kỹ thuật Nhật
    Bản. Những người muốn đi ngay vào phần cốt lõi của cuốn sách (kỹ thuật và cách sử
    dụng biểu đồ hình nến), có thể bỏ qua chương này, hoặc trở lại sau khi bạn đã hoàn
    thành phần còn lại của quyển sách. Nó là một lịch sử hấp dẫn.

  • Người nổi tiếng nhất Nhật Bản đã sử dụng giá quá khứ để dự đoán chuyển động
    giá tương lai là huyền thoại Munehisa Homma. Ông đã tích lũy được gia sản khổng lồ
    qua việc buôn bán gạo trong những năm 1700. Trước khi nói về Homma, tôi muốn
    cung cấp tổng quan của nền kinh tế, dựa vào đó mà Homma có thể phát đạt. Thời kỳ
    này bắt đầu từ những thập niên cuối của thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 18.

  • Từ 1500 đến 1600, Nhật Bản là một nước không ngừng nội chiến. Trước những
    năm đầu 1600, ba tướng - Nobunaga Oda, Hideyoshi Toyotomi, và Ieyasu Tokugawa -
    đã hợp nhất Nhật Bản trong cả một thời kỳ 40 năm. Sự dũng cảm và những chiến công
    của họ đã được ghi lại trong lịch sử và văn học dân gian của người Nhật.
    Những qui tắc trong quân đội Nhật được phổ biến nhiều thế kỷ đã trở thành là
    một phần trong các thuật ngữ gắn liền với biểu đồ hình nến. Và khi bạn so sánh với nó,
    thì việc buôn bán cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng cần thiết như những kỹ năng để chiến
    thắng mỗi trận đánh. Những kỹ năng như vậy bao gồm kế hoạch chiến lược, tâm lý
    học, sự cạnh tranh, chiến lược phòng thủ, v.v… thậm chí cả may mắn. Vì vậy không có
    gì đáng ngạc nhiên khi suốt cuốn sách này bạn sẽ gặp những thuật ngữ về hình nến
    giống như khi đang ở trong chiến trường. Đó là “night and morning attacks", “advancing
    three soldiers”, “counter attack”, “gravestone”, v.v …

  • Kinh tế ruộng đất lớn mạnh, nhưng quan trọng hơn, đã có sự mở rộng và dễ
    dàng trong nội thương. Trước thế kỷ 17, một thị trường quốc gia đã tiến triển để thay
    thế hệ thống những thị trường cô lập và địa phương. Khái niệm này về thị trường tập
    trung sẽ gián tiếp dẫn dắt tới sự phát triển của phân tích kỹ thuật ở Nhật Bản.
    Hideyoshi Toyotomi lưu tâm tới Osaka như thủ đô của Nhật và khuyến khích nó phát
    triển như một trung tâm thương mại.

  • Ở Osaka, Yodoya Keian trở thành là một thương nhân của Hideyoshi (một trong
    số ba tướng lớn nhất). Yodoya có khả năng phi thường trong việc chuyên chở, phân
    phối, và thiết lập giá cả của gạo. Anh ta trở nên rất giàu có.

  • Đến năm 1710, Trung tâm mua bán gạo đã ra đời. Sau 1710, sự trao đổi, mua
    bán ký gửi được tiến hành ở các kho. Việc mua bán gạo được ghi lại qua những tờ
    biên nhận. Những biên nhận này trở thành những hợp đồng tương lai đầu tiên từng
    được buôn bán. Môi giới gạo trở thành là nền tảng của sự thịnh vượng của Osaka.

tonghakfarm

  • Để cho bạn thấy tính phổ biến của những hợp đồng tương lai này, xem ví dụ
    sau: năm 1749, có tổng số 110.000 bao gạo đã được giao dịch ở Osaka. Vậy mà, khắp
    cả Nhật Bản chỉ có 30.000.Quay lại với Homma. Munehisa Homma sinh năm 1724 trong một gia đình giàu có. Khi Homma làm chủ doanh nghiệp gia đình vào năm 1750, anh ta bắt đầu buôn
    bán, trao đổi gạo tại địa phương, trong thành phố cảng Sakata. Sakata là một trong
    những vùng thu gom và phân phối gạo.

  • Khi cha Munehisa Homma chết, Munehisa phải gánh vác trách nhiệm quản lý tài
    sản của gia đình. Đây thực sự là một khó khăn với một thanh niên trẻ. Với gia tài này,
    Homma đi tới trung tâm giao dịch gạo lớn nhất Nhật Bản ở Osaka, và bắt đầu giao dịch
    những hợp đồng tương lai. Để tìm hiểu tâm lý của những nhà đầu tư, Homma phân tích
    giá gạo lùi lại thời gian trước, thời của Yodoya. Homma cũng lập hệ thống truyền thông
    của riêng mình.

  • Sau khi chiếm ưu thế ở thị trường Osaka, Homma mở rộng buôn bán với Edo
    (bây giờ gọi Tokyo). Ông ta sử dụng những sự hiểu biết sâu sắc của mình để tích lũy
    được một gia tài khổng lồ. Vài năm sau Homma trở thành một cố vấn tài chính của
    Chính phủ và được phong tước vị Samurai. Homma mất năm 1803. Sách của Homma
    về thị trường đã được viết vào thế kỷ 18. Những nguyên tắc giao dịch của ông được áp
    dụng trong thị trường gạo, và được phát triển thành phương pháp luận biểu đồ hình
    nến được sử dụng ở Nhật Bản và về sau phổ biến khắp thế giới.

II./: Lời Dẫn.
Trước khi lao vào ngấu nghiến các mẫu hình “tín hiệu”.
Xin dừng lại ít phút đọc và suy ngẫm những điều sau, để tăng tốc độ “tiêu hóa” các mẫu hình.

  • Tín hiệu ở đây không nên hiểu là một công thức khoa học (nó cũng không phải là công thức) để cho ra một đáp án chính xác 100%.
  • Đơn thuần nó chỉ là những hình ảnh lặp đi, lặp lại; được ghi chép, hệ thống hóa và trình bày một cách có tính toán, nhằm miêu tả sự bất thường của thị trường hiện tại và truyền đạt những khả năng sắp, sẽ, có thể xãy ra trong tương lai. (Lịch sử hình thành của Nến Nhật giải thích cho điều này.)
  • Lấy ví dụ: Một chiếc xe ô tô đang chạy thì đạp phanh:
    • Khi đạp phanh. đèn hậu sáng lên; đèn hậu ở đây được hiểu là “tín hiệu”. Tuy nhiên, tín hiệu này không cho ta biết xe sẽ tiếp tục đi tới hay đi lùi.
    • Nếu tài xế cho xe chạy lui về, đèn báo lui xe màu trắng sáng lên. Đèn trắng ở đây hiểu là “xác nhận” tín hiệu xe đang đi lui.
    • Nếu tài xế nhã phanh, cho xe chạy tới. Đèn hậu tắt đi, xe chạy tới được hiểu là “xác nhận” tín hiệu xe đang đi tới.
  • Ví như câu tục ngữ của nước ta “Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng, ngày tháng 10 chưa cười đã tối”. Trong thực tế ghi nhận nhiều lúc có những ngày trong tháng 10, 7~8 giờ tối mà trời vẫn sáng như 3~4 giờ chiều. Điều này có nghĩa, những tín hiệu này không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp, hoàn cảnh.

III./: Về Những Cây Nến.

  • Chỗ dày nhất của cây nến được gọi là thân nến. Nó mô tả phạm vi giữa giá mở và đóng của phiên đó. Khi thân nến màu đen (tô kín) nó có nghĩa là đóng phiên thấp hơn mở. Nếu thân nến màu trắng (rỗng), thì nó có nghĩa rằng đóng phiên cao hơn mở (màu sắc của biểu đồ hình nến có thể thay đổi bởi người sử dụng).

  • Những đường mỏng ở trên và ở dưới thân nến là những bóng nến. Những bóng nến này đại diện cho những cực trị giá của phiên. Bóng ở trên thân nến được gọi là bóng trên và bóng ở dưới thân nến được gọi là bóng dưới. Do đó, đỉnh của bóng trên là giá cao nhất phiên và đáy của bóng dưới là giá thấp nhất phiên. Đối với người Nhật, thân nến là sự chuyển động giá quan trọng. Những bóng nến thường được xem xét như những dao động giá bên ngoài.

  • Những hình từ 3.4 đến 3.7 thể hiện vài cây nến hay gặp. Hình 3.4 là một cây nến đen dài, tương ứng với một phiên giảm giá khi thị trường mở cửa gần với giá cao và đóng cửa gần với giá thấp. Hình 3.5 cho thấy sự đối lập của một thân nến đen dài, và do đó tương ứng là một phiên tăng giá. Giá cả có một phạm vi rộng và thị trường mở gần giá thấp và đóng gần giá cao của phiên.

  • Hình 3.6 cho thấy những cây nến có thân nhỏ và chúng diễn tả cuộc chiến giữa bên bán và bên mua. Hình 3.7 thể hiện những cây nến không có thân, thay vào đó, chúng là những đường nằm ngang. Đó là những ví dụ của những cây nến được gọi là Doji.

IV./: Những Mẫu Hình Đảo Chiều.
“Bóng tối nằm ngay phía trước”.
1./: Hammer & Hanging Man

  • Hình 4.4 cho thấy hai cây nến có bóng dưới dài và phần thân nhỏ. Phần thân nằm ở đỉnh trong phạm vi giao dịch của phiên. Sự khác nhau của hai cây nến trong hình lôi cuốn ở chỗ nó có thể chỉ ra sự tăng hay giảm giá tùy thuộc vào vị trí chúng xuất hiện trong một xu hướng. Nếu một trong hai cây nến đó xuất hiện trong một xu hướng giảm, đó là một dấu hiệu chỉ ra rằng xu hướng giảm có thể kết thúc. Trong bối cảnh đó, cây nến được gọi là một Hammer.

  • Hãy xem hình 4.5. Ngày nay người Nhật gọi nó là Takuri. Từ này cũng gần giống như đang cố gắng đo độ sâu của dòng nước với cảm giác đang đứng ở đáy.

  • Nếu một trong hai cây nến trong hình 4.4 xuất hiện sau một quá trình tăng giá, nó muốn nói với bạn rằng quá trình đó có thể sẽ kết thúc. Nó giống như là một điềm gở, nên được gọi là hanging man (xem hình 4.6). Cái tên này xuất phát từ thực tế là trông nó giống như người đàn ông bị treo cổ với hai chân lủng lẳng.

  • Có vẻ không bình thường khi những cây nến giống nhau lại có thể chỉ ra cả tăng
    và giảm giá. So với những hình mẫu quen thuộc của phương Tây (island top và island
    bottom) bạn sẽ nhận ra rằng quan niệm được vận dụng giống hệt nhau. Sự xuất hiện
    của island cũng chỉ ra sự tăng hoặc giảm giá tùy thuộc vị trí của nó trong một xu
    hướng. Một island sau một xu hướng tăng dài là giảm giá, trong khi một island tương tự
    sau một xu hướng giảm là tăng giá.

  • Hammer và Hanging man có thể được đoán nhận bởi ba tiêu chuẩn sau:

  1. Phần thân nến nằm ở phần trên của phạm vi giao dịch. Màu sắc của thân nến
    không quan trọng.
  2. Độ dài của bóng dưới cỡ gấp hai lần độ dài của phần thân trở lên.
  3. Nó không nên có, hoặc có bóng trên rất nhỏ.
  • Bóng dưới càng dài, bóng trên càng ngắn, thân của nến càng nhỏ càng có ý nghĩa tăng giá (đối với hammer) hay giảm giá (đối với hanging man). Mặc dù thân nến của hammer hay hanging man có thể màu trắng hay đen, mức độ tăng đáng kể hơn nếu thân của hammer màu trắng, mức độ giảm cũng đáng kể hơn nếu thân của hanging man màu đen.

  • Nếu thân của hammer màu trắng, nó mang ý nghĩa rõ ràng rằng thị trường bị bán tháo gần như suốt phiên và sau đó bật trở lại vào lúc đóng phiên gần với giá cao của phiên. Đó gần như là khởi nguồn của sự tăng giá.

  • Nếu thân của hanging man màu đen, nó thể hiện rằng giá đóng phiên không thể trở lại mức giá mở phiên. Điều đó hàm ý khả năng giảm giá.

  • Điều quan trọng là bạn phải đợi sự xác nhận với hanging man. Lập luận như thế nào về sự xuất hiện của hanging man? Thông thường là trong bối cảnh thị trường đã thể hiện hết khả năng tăng giá thì hanging man xuất hiện. Vào phiên hanging man, thị trường mở phiên ở/gần giá cao, rồi bị bán tháo, sau đó phục hồi, đóng phiên ở/gần giá cao. Sức mạnh này không phải là kiểu hành động giá để bạn nghĩ rằng hanging man có thể là đỉnh đảo chiều. Nhưng kiểu hành động giá này chỉ ra rằng thị trường đã bắt đầu hành động bán tháo (sell off), nó đã trở nên dễ bị tấn công tiếp khi chúng ta chưa kịp đề
    phòng.

  • Tín hiệu xác nhận có thể là một khoảng trống giảm giá (giữa phần thân nến phiên hanging man với giá mở phiên kế tiếp), hoặc có thể là một phiên giảm giá với giá đóng phiên thấp hơn giá đóng phiên hanging man.

  • Hình 4.7 là một ví dụ minh họa vì sao những cây nến tương tự nhau có thể là giảm giá (hanging man - ngày 3/7) hoặc tăng giá (hammer - ngày 23/7), mặc dù cả hai cây nến trong ví dụ này có thân màu đen. Điều này cho thấy màu sắc của thân nến không phải là vấn đề quyết định.

2./: Engulfing.

  • Hammer và Hanging man là những mẫu hình một cây nến riêng biệt. Chúng có thể gửi những tín hiệu quan trọng về “sức khỏe” của thị trường. Tuy nhiên, đa số các tín hiệu từ các cây nến đều dựa vào sự kết hợp của nhiều cây nến riêng lẻ. Mẫu hình Engulfing là mẫu đầu tiên trong số các mẫu hình dựa trên sự kết hợp của nhiều cây nến. Mẫu hình Engulfing là tín hiệu đảo chiều với hai thân nến đối lập về màu sắc.

  • Hình 4.18 thể hiện một mẫu hình Engulfing tăng giá. Thị trường đang trong một
    xu hướng giảm giá, xuất hiện một thân nến trắng tăng giá áp đảo thân nến đen trước
    đó. Điều này cho thấy rằng lực mua đã lấn át lực bán. Hình 4.19 minh họa một mẫu
    hình engulfing giảm giá. Thị trường đang trong một xu hướng tăng giá, thân nến trắng
    bị lấn át bởi thân nến đen, đó là tín hiệu của một sự đảo chiều ở đỉnh. Điều này cho
    thấy bên bán đã giành quyền điều khiển thị trường.

  • Có ba tiêu chuẩn đối với mẫu hình englfing:
  1. Thị trường phải trong một xu hướng rõ ràng, tăng giá hoặc giảm giá, thậm chí có thể là xu hướng ngắn hạn.
  2. Hai cây nến tạo thành mẫu hình Engulfing. Thân nến thứ hai phải áp đảo thân nến trước đó (nó không cần phải lấn át những bóng nến).
  3. Thân nến thứ hai của mẫu hình cần phải có màu đối lập với thân nến đầu tiên. (ngoại lệ của quy tắc này là nếu thân nến đầu tiên của mẫu hình nhỏ, như vậy nó gần như là một doji (hoặc là một doji). Do đó, sau một xu thế giảm giá kéo dài, một thân nến trắng nhỏ xíu bị áp đảo bởi một thân nến trắng rất lớn có thể là một sự đảo chiều ở đáy.
    Trong một xu hướng tăng giá, một thân nến đen bị lấn át bởi một thân nến đen rất lớn
    có thể là một mẫu đảo chiều giảm giá).
  • Hình 4.20 cho thấy cho những tuần bắt đầu từ 15/5 và 22/5 hình thành một mẫu hình Engulfing tăng giá. Trong hai tuần cuối tháng bảy, một mẫu hình Engulfing giảm giá xuất hiện. Mẫu hình Engulfing tăng giá tháng chín là sự phục hồi từ đáy của quá trình sell off trước đó.

  • Hình 4.21 là biểu đồ dầu thô hàng tháng với cả hai mẫu hình Engulfing tăng giá và giảm giá. Cuối năm 1985, cú sụt giảm mạnh 20$ bắt đầu. Tháng ba và tháng tư năm 1986 xuất hiện hai cây nến của mẫu hình Engulfing tăng giá. Nó báo hiệu sự kết thúc của xu hướng giảm giá. Vận động giá bắt đầu với mẫu hình Engulfing tăng giá này kết thúc bởi mẫu hình engulfing giảm giá vào giữa năm 1987. Mẫu hình engulfing tăng giá nhỏ trong tháng hai và tháng ba năm 1988 kết thúc xu hướng giảm giá bắt đầu vào giữa năm 1987 bởi mẫu hình Engulfing giảm giá. Sau mẫu hình Engulfing tăng giá này, xu hướng giảm của thị trường giảm chuyển thành xu hướng đi ngang trong năm tháng.

  • Mẫu hình Engulfing giảm giá năm 1987 và 1990 mang lại một lợi thế của mẫu hình Engulfing - Nó có thể cung cấp một tín hiệu đảo chiều không thể có nếu sử dụng tiêu chuẩn reversal day trong kỹ thuật phương Tây. Một quy tắc cho top reversal day của phương Tây (hoặc, trong trường hợp này, reversal month) là một mức cao mới phải được tạo ra bởi sự vận động của giá. Những mức cao mới chưa được tạo ra bởi thân nến đen những thời kỳ đó nằm trong mẫu hình engulfing giảm giá.

3./: Dark-Cloud Cover.

  • Mẫu đảo chiều tiếp theo là Dark-cloud Cover (xem hình 4.24). Nó là một mẫu hình hai cây nến báo hiệu một sự đảo chiều ở đỉnh sau một xu hướng tăng giá, hoặc đôi khi ở đỉnh của một dải hẹp.

  • Cây nến đầu tiên của mẫu hình hai cây nến này là một thân nến trắng mạnh mẽ. Cây nến thứ hai có giá mở cao hơn giá cao của phiên trước đó (có nghĩa cao hơn đỉnh của bóng trên). Tuy nhiên, vào khoảng cuối phiên thứ hai, thị trường đóng phiên gần mức thấp của phiên và bên trong thân nến trắng của phiên trước.

  • Mức độ xâm nhập vào phần thân cây nến trắng càng lớn thì khả năng một đỉnh sẽ xuất hiện càng cao. Nhiều nhà kỹ thuật Nhật Bản yêu cầu sự xâm nhập lớn hơn 50% mức đóng phiên giảm vào phiên tăng trước đó. Nếu cây nến đen không kết thúc thấp hơn nửa thân nến trắng, tốt hơn là đợi thêm sự xác nhận của mẫu hình giảm giá dark-cloud cover.

  • Lý do căn bản đằng sau mẫu hình giảm giá này được giải thích dễ dàng. Thị trường trong một xu hướng tăng. Một cây nến trắng tăng giá mạnh mẽ, tiếp theo là một khoảng trống tăng giá ở đầu phiên kế tiếp. Đến đây, những người đầu cơ giá lên nắm hoàn toàn quyền điều khiển thị trường. Nhưng sau đó không thấy có sự tiếp tục tăng giá. Thực tế là thị trường kết thúc ở/gần mức giá thấp của phiên và bên trong phần thân nến trắng của phiên trước. Trong bối cảnh như vậy, những người mua sẽ suy nghĩ lại về vị trí của họ. Những người đang đợi để bán ngắn hạn bây giờ có một điểm chuẩn để đặt một lệnh dừng - tại mức giá cao mới của phiên thứ hai của mẫu hình Dark-cloud Cover.

  • Sau đây là một số yếu tố làm tăng thêm độ tin cậy của mẫu hình Dark-cloud Cover:

  1. Mức độ xâm nhập của giá đóng thân cây nến đen vào thân cây nến trắng trước đó càng lớn, cơ hội cho một đỉnh càng cao. Thân nến đen của mẫu hình darkcloud cover chỉ xâm nhập một phần thân nến trắng. Nếu thân nến đen bao trùm toàn bộ thân nến trắng của phiên trước thì một mẫu hình engulfing giảm giá xuất hiện. Vì vậy, một mẫu hình engulfing giảm giá có ý nghĩa đảo chiều ở đỉnh hơn. Nếu một thân nến trắng, dài kết thúc trên mức giá cao của mẫu hình Dark-cloud Cover, hoặc Engulfing
    giảm giá thì nó có thể báo trước sự vận động khác.

  2. Trong một xu hướng tăng giá kéo dài, nếu có một cây nến trắng mạnh mẽ mở ở giá thấp (không có bóng dưới), đóng ở giá cao (không có bóng trên), và phiên sau là một thân nến đen dài, mở ở giá cao và đóng ở giá thấp, sau đó sẽ xuất hiện phiên giảm mạnh, không có bóng trên và bóng dưới.

  3. Nếu thân nến thứ hai (thân nến đen) của mẫu hình Dark-cloud Cover có giá mở ở trên một mức kháng cự mạnh và sau đó rớt, nó chứng minh rằng những người đầu cơ giá lên không thể điều khiển được thị trường.

  4. Nếu vào đầu phiên thứ hai có một khối lượng giao dịch rất lớn, tình trạng quá mua có thể đã xuất hiện. Ví dụ, khối lượng giao dịch rất lớn tại một mức giá mở cao mới có thể có nghĩa rằng nhiều người mua mới đã quyết định nhảy lên tàu. Rồi sau đó thị trường bán tháo. Có lẽ sẽ không quá lâu trước khi đám đông những người mua mới hiểu ra rằng con tàu mà họ nhảy lên là tàu Titanic. Đối với những người giao dịch thị trường tương lai, khối lượng giao dịch cực lớn cũng là một tín hiệu cảnh báo khác.

  • Hình 4.25 thể hiện sự khác nhau giữa mẫu hình Dark-cloud Cover và Engulfing. Hai thân nến trong tháng sáu năm 1989 tạo thành một dark-cloud cover. Một thân nến trắng dài, tiếp theo là một thân nến đen, dài. Thân nến đen mở ở một mức cao mới, sau đó đóng ở gần mức thấp của nó và bên trong thân nến trắng trước đó. Thị trường trái phiếu đã có dấu hiệu giảm nhiệt sau khi có sự đảo chiều ở đỉnh này xuất hiện. Tuynhiên sự giảm sút mạnh chỉ đến vài tuần đó, khi mẫu hình engulfing được cụ thể hóa.
  • Chúng ta có thể thấy thân nến đen của Dark-cloud Cover bao trùm một phần thân nến
    trắng trước đó. Thân nến đen của mẫu hình engulfing giảm giá bao bọc toàn bộ thân
    nến trắng trước nó.

3./: Piercing Pattern.

  • Mẫu hình Piercing tăng giá gần giống với mẫu hình engulfing tăng giá. Trong mẫu hình Engulfing tăng giá, thân nến trắng áp đảo toàn bộ thân nến đen trước đó. Với mẫu hình piercing tăng giá, thân nến trắng chỉ lấn át một phần thân nến đen trước đó.

  • Trong mẫu hình piercing, mức độ xâm nhập vào phần thân nến đen càng lớn thì khả năng một đáy đảo chiều càng cao. Một mẫu hình piercing lý tưởng sẽ có một thân nến trắng mà đóng phiên cao hơn nửa thân nến đen của phiên trước. Nếu thị trường kết thúc ở dưới mức giá thấp của mẫu hình engulfing tăng giá hoặc piercing bằng một thân nến đen dài, thì một xu hướng giảm giá khác lại tiếp tục.

  • Tâm lý học đằng sau mẫu hình piercing được giải thích như sau: thị trường trong một xu thế giảm sút. Thân nến đen giảm giá củng cố trạng thái này. Thị trường mở phiên sau thấp hơn qua một khoảng trống giảm giá. Những người đầu cơ giá xuống đang quan sát thị trường với sự mãn nguyện. Rồi thị trường bật lên, về phía giá kết thúc phiên trước, nhưng không chỉ dừng ở đó, mà kết thúc rõ ràng ở trên mức đó.

  • Những người đầu cơ giá xuống đang cân nhắc lại vị trí của họ. Những người đang xem xét để mua nghĩ mức thấp mới có thể không giữ được và có lẽ đã đến lúc mua vào. Mẫu hình piercing cũng có một số yếu tố (từ 1 đến 4) làm tăng thêm độ tin cậy giống như mẫu hình dark-cloud cover, nhưng ngược lại (xem lại mẫu hình trước).

  • Trong phần về mẫu hình Dark-cloud Cover, tôi đã đề cập rằng mặc dù nhiều nhà kỹ thuật Nhật Bản yêu cầu sự xâm nhập lớn hơn 50% mức đóng phiên giảm vào phiên tăng trước đó, vẫn có sự linh hoạt trong quy tắc này. Với mẫu hình Piercing, tính linh hoạt không bằng. Cây nến trắng của mẫu hình piercing cần phải đẩy qua được nửa thân nến đen. Lý do cho sự kém linh hoạt của mẫu hình Piercing tăng giá so với mẫu hình Dark-cloud Cover là thực tế trong kỹ thuật của người Nhật có ba mẫu hình khác, tên gọi là on-neck, in-neck và thrusting (xem hình 4.30 đến 4.32) có cấu tạo cơ bản giống như mẫu hình piercing, nhưng chúng cần được xem như tín hiệu giảm giá khi
    thân nến trắng nằm dưới nửa thân nến đen.

  • Như vậy ba mẫu hình giảm giá tiềm năng này (hình 4.30 đến 4.32) và mẫu hình Piercing tăng giá (hình 4.29) có cùng một định dạng. Sự khác nhau của chúng nằm ở mức độ của sự xâm nhập bởi thân nến trắng vào trong thân nến đen. Với mẫu hình on-neck, thân nến trắng (thường là cây nến nhỏ) đóng phiên gần với giá thấp của phiên trước. Với mẫu hình in-neck, thân nến trắng đóng phiên ở một mức độ xâm nhập không đáng kể vào thân nến trước (cũng thường là cây nến trắng nhỏ). Mẫu hình thrusting cần phải là một thân nến trắng mạnh mẽ hơn, dài hơn so với mẫu hình in-neck, nhưng
    đóng phiên vẫn không nằm trên nửa thân nến đen trước đó.

  • Với những mẫu hình này, khi giá vận động dưới mức thấp của cây nến trắng, các thương gia (traders) biết rằng đó là thời gian để bán. (Lưu ý rằng mẫu hình thrusting trong hình 4.32 là giảm giá trong một thị trường xuống dốc, nhưng như một phần của một thị trường tăng giá, nên được cân nhắc kỹ. Mẫu hình thrusting cũng là tăng giá nếu nó xuất hiện hai lần trong vòng vài ngày).

  • Không quá quan trọng để nhớ từng mẫu hình trong các hình 4.30 tới đến 4.32. Chỉ cần nhớ khái niệm là thân nến trắng cần phải đẩy cao hơn nửa của thân nến đen để gửi một tín hiệu của sự đảo chiều ở đáy.

  • Trong hình 4.33, những người đầu cơ giá xuống thành công rực rỡ khi thị trường xuống đến mức thấp mới vào ngày 27 tháng tư, được thể hiện qua cây nến đen dài. Ngày hôm sau thị trường mở thấp hơn. Giá mở này trở thành mức giá thấp của ngày và Boeing đóng phiên bên trong thân nến đen của ngày trước đó. Hai cây nến vào ngày 27, 28 tháng tư tạo thành mẫu hình piercing tăng giá.

Tạm Kết Phần Này.

  • Bên trên là 4 mẫu hình cơ bản, quan trọng và phổ biến của Nến Nhật.
  • Phần sau chúng ta sẽ dề cập đến các mẫu hình Doji.
  • Ngoài ra các mẫu hình, các tổ hợp nến khác nên được xem như các biến thể của 4 mẫu hình này và là một nổ lực nhằm cụ thể hóa sự đa dạng, biến hóa khôn lường của thị trường. Tuy nhiên, nếu có thể nghiên cứu chuyên sâu trực tiếp từ sách của tác giả sẽ rất bổ ích cho “Trader”. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, nhóm biên tập xét thấy nên dừng lại ở đây để giúp đơn giản hóa cho sự tiếp cận cho bạn đọc.
  • Như tác giả đã đề cập trong bài :
    • “Không quá quan trọng để nhớ từng mẫu hình trong các hình 4.30 tới đến 4.32. Chỉ cần nhớ khái niệm là thân nến trắng cần phải đẩy cao hơn nửa của thân nến đen để gửi một tín hiệu của sự đảo chiều ở đáy.”
    • Nến trắng ở đây được hiểu như sự “xác nhận” tín hiệu.

Tổng hợp nội dung : @Yukin - Biên tập : @Kudinh
Nếu bài viết hữu ích hãy mời nhớm biên tập ly cà phê, để lấy động lực tiếp tục ra những phần sau:
@Yukin : bnb1g64tzh7r7wnw2gupmg57d9xmpu4s6tsrp5cxuh
@Kudinh : bnb1zr0qqyns3zvxnk3vu3czzv4pn9fpda7enmz089

8 Likes

Rất hay, cần phải tích cực làm thêm nhiều bài cho ae vỡ lòng.

3 Likes

cố lên các đồng chí.

2 Likes